Cây lưỡi hổ mới nghe tên thì có vẻ hung dữ phải không các bạn? Tuy nhiên, cây lưỡi hổ lại rất thanh mảnh, mang nét đẹp hoang dại của thiên nhiên ban tặng. Cây phù hợp đặt trong văn phòng hoặc trang trí, decor ngoài trời đều được.
Ở bài viết này, Vienmoitruong5014.org.vn xin mời bạn đọc tìm hiểu về cây lưỡi hổ. Bài viết bao gồm các nội dung: Đặc điểm, giá bán, ý nghĩa – ứng dụng, cách trồng và chăm sóc cây lưỡi hổ
Mục Lục Bài Viết
Đặc điểm cây lưỡi hổ
- Tên thường gọi: Cây lưỡi hổ, cây lưỡi cọp, cây hổ vĩ mép vàng.
- Tên khoa học: Sansevieria trifasciata
Lá lưỡi hổ cũng chính là thân, chiều cao cây trưởng thành khoảng 90cm-1mét. Thân thuộc dòng mọng nước có khả năng chịu khô hạn và sống trên đất khô cằn, điều kiện khắc nghiệt tốt. Lá lưỡi hổ có xu hướng mọc thẳng đứng hẹp 2 mép lá tựa thanh kiếm.
Cũng giống sống đời, lưỡi hổ có bộ rễ nông, mọc ngay từ gốc lá.
Hiện nay, trên thị trường có các dòng lưỡi hổ gồm 2 màu chính: Xanh sọc vàng và xanh lá cây.
Các nguồn hàng lưỡi hổ đang được bán ở thị trường cây cảnh Việt Nam có 3 dòng chính:
- Lưỡi hổ Thái: Màu sọc vàng dọc thân lá, đây là loại phổ biến và đẹp nhất trong 3 dòng.
- Lưỡi hổ Trung Quốc: Cũng tựa dòng Thái nhưng màu sắc không nét và rõ ràng, cây phát triển khá tốt với điều kiện khí hậu Việt Nam
- Lưỡi hổ nhà vườn: Miền Bắc và miền Tây là 2 khu vực cung cấp lưỡi hổ lớn hiện nay, cây được nhân giống và thuần hóa tại vườn nên có sức sống rất tốt, tuy nhiên màu sắc có phần không đẹp bằng với dòng Thái. Giá rẻ nhất trong 3 nguồn hàng trên, có lẽ được nhân giống tại Việt Nam nên chi phí thấp hơn.
Cây lưỡi hổ có hoa với các xúc tu và có màu hơi trắng khá đẹp. Trồng lưỡi hổ thuần trong chậu thì chúng ta ít thấy cây trổ hoa, nghe ông bà nói thì lưỡi hổ trổ bông là điềm lành, mang đến sự thuận lợi trong công việc thời gian sắp tới.
Có nhiều người lầm tưởng giữa cây lưỡi hổ và cây lưỡi mèo. Điểm phân biệt rõ ràng nhất đó là cây lưỡi mèo có chiều cao khiêm tốn (<50cm) và lá bầu, xòe đẹp chứ không nhọn và sắc sảo dựng đứng như lưỡi hổ.
Giá bán cây lưỡi hổ
Giá bán cây lưỡi hổ phụ thuộc vào chiều cao và màu sắc cây.
Cây lưỡi hổ mép vàng thì có giá cao hơn xíu, tùy chiều cao mà có mức giá dao động từ 30k(loại nhỏ để bàn) đến 100k (loại cao khoảng 90cm-1mét).
Cây lưỡi hổ xanh thì có giá bán thấp hơn khoảng 5-10k so với cùng kích cỡ với cây lưỡi hổ Thái.
Ý nghĩa và ứng dụng cây lưỡi hổ
Ứng dụng cây lưỡi hổ trong decor nhà cửa, văn phòng: Lưỡi hổ đẹp và có yếu tố phong thủy tốt nên rất phù hợp trong thiết kế văn phòng, nhà cửa. Cây có thể chưng trên bàn làm việc, loại lớn có thể chưng tại sảnh, quầy lễ tân hoặc đặt chậu lưỡi hổ cao bên cạnh kệ tivi cũng là 1 yếu tố rất sáng tạo.
Cây lưỡi hổ giúp mang lại không khí trong lành trong ngôi nhà của bạn: Cây có khả năng hấp thụ khí thải từ các thiết bị điện tử, ban đêm vẫn hấp thụ khí CO2 và nhả khí O2 giúp chúng ta có bầu không khí trong lành và sạch.
Ứng dụng trong phong thủy: Cây lưỡi hổ là loại cây cảnh văn phòng mang yếu tố phong thủy tốt, cây có khả năng cân bằng vận khí âm dương, giúp mang lại tài lộc và khả năng thăng tiến trong công việc, sự nghiệp của gia chủ.
Cách trồng và chăm sóc cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ có thể xem là dòng cây khá dễ chịu bởi có thể sống được cả môi trường trong nhà và ngoài trời. Tuy nhiên, nếu trồng ngoài trời thì nên chọn hướng Đông để cây hấp thụ ánh sáng nhẹ, chứ hướng Tây thì nắng gắt quá cây chịu không nổi sẽ bị cháy lá nhé.
Mỗi tháng chỉ cần tưới khoảng 2 lần là đủ, cây lưỡi hổ kị nhất là tưới nước nhiều, tốt nhất là dùng bình tưới cây chuyên dụng (loại 2 lít, 3 lít) tưới dạng phun sương lên lá.
Khoảng 6 tháng bón phân NPK (2-3 hạt bón cách gốc 10cm) để cây được bổ sung khoáng chất.
Cây có thể nhân giống bằng phương pháp chiết lá, cắt các lá già, chia nhỏ và đặt vào môi trường đất ẩm, lá sẽ nứt thành cây con và có thể tách bụi khi được 2 lá thật.
Trên đây là những chia sẻ về cây lưỡi hổ, chúc các bạn có ngôi nhà/ văn phòng làm việc xinh xắn có sử dụng 1,2 chậu lưỡi hổ để decor nhé.