Hoa cúc mâm xôi là loại cây cảnh quá quen thuộc đối với người dân Việt Nam chúng ta, từ thành thị cho đến nông thôn, cúc mâm xôi luôn hợp với túi tiền của mọi người và mang lại vẻ đẹp an nhiên, hạnh phúc, đong đầy mỗi dịp tết đến xuân về.
Tuy vậy, có lẽ chúng ta chưa hiểu sâu hết về cúc mâm xôi, ở bài viết này, Ad xin chia sẻ đến bạn đọc những hiểu biết nông cạn của mình về cúc mâm xôi nhé.
Mục Lục Bài Viết
Đặc điểm hoa cúc mâm xôi
Cúc mâm xôi có hoa nhỏ, nhưng nở chi chít đều cả cây rất đẹp mắt
- Tên thường gọi: Cúc mâm xôi
- Tên khoa học: Chrysanthemum morifolium
Cúc mâm xôi thuộc dòng thân bụi, cây cao từ 40cm – 70cm. Khác với các loại cây, hoa cảnh khác như vạn thọ, ly, cúc đoá… cúc mâm xôi phân thành cả trăm nhánh từ một thân chính với cánh lá sum xuê.
Lá cúc mâm xôi có màu xanh đậm, lâu héo.
Hoa cúc mâm xôi mỗi lần trổ có thể nói là vàng cả cây. Hoa lâu tàn, thường chưng dịp tết thì phải 3-4 tháng sau cây mới tàn nụ. Có lẽ bởi vậy mà cúc mâm xôi rất được yêu chuộng để chưng tết trong nhiều năm qua.
Giá bán cây hoa cúc mâm xôi
Giá bán chậu nhỏ như thế này rơi vào khoảng 120k-150k trên thị trường hiện nay
Hiện nay, cúc mâm xôi được trồng phổ biến tại miền Tây (vựa Sa đéc có thể nói là vựa lớn nhất trồng cúc mâm xôi trên cả nước). Để được giá, cúc mâm xôi thường được nhà vườn trồng để trổ bông đúng y dịp tết. Giá bán cúc mâm xôi phụ thuộc vào chiều cao, tỉ lệ nở bông, thông thường giao động ở mức 120k-130k/1 chậu cúc mâm xôi loại nhỏ, và 200k-250k/1 chậu cúc mâm xôi loại lớn.
Ý nghĩa và ứng dụng hoa cúc mâm xôi
Cúc mâm xôi là loại cây cảnh chưng tết được sử dụng nhiều nhất, cây mang nhiều ý nghĩa về cả vẻ đẹp và tinh thần đối với người dân Việt Nam thân yêu.
Cúc mâm xôi khi trổ bông rất sai và có màu vàng, biểu tượng cho sự hạnh phúc, ấm no.
Đối với các gia đình có con đi học xa hay đi làm xa, mỗi lần về quê hương, thấy cặp cúc mâm xôi trước cổng nhà sum xuê, hoa, lá nở rực vàng, bỗng rưng rưng nước mắt. Do đó, cúc mâm xôi còn có ý nghĩa sum vầy, đoàn tụ gia đình mỗi dịp tết Cổ Truyền Dân Tộc Việt Nam. Ông bà, cha mẹ sáng mồng 1 quây quần bên nhau, pha ly trà nóng và thư thả đón khách, ở 2 bên cổng là cặp cúc mâm xôi từ xưa đã ăn sâu vào hình ảnh, tâm trí, nét đẹp của đất nước chúng ta.
Với màu sắc vàng rực rỡ, lâu tàn (thường 3-4 tháng sau tết) cúc mâm xôi thường được sử dụng nhiều trong các con đường hoa. Điển hình là đường hoa Nguyễn Huệ (Sài Gòn), đường hoa Bạch Đằng (Đà Nẵng) năm 2020 vừa rồi. Loại hoa được sử dụng trang trí, decor nhiều nhất chính là hoa cúc mâm xôi đó các bạn ạ.
Cách trồng và chăm sóc cây hoa cúc mâm xôi
Hoa cúc mâm xôi thuộc dòng hoa cảnh dễ trồng và chăm sóc, để được hoa trổ đúng dịp tết, các bạn nên tham khảo các chú ý sau đây:
- Cúc mâm xôi là loại cây ưa sáng, ánh sáng càng tốt cây càng dễ phát triển.
- Đất trồng: Sử dụng đất phù sa, độ PH giao động từ 6-6.5 để cúc mâm xôi phát triển tốt nhất.
- Phân bón: Nên bón lót và xới đất kỹ trước khi trồng cúc mâm xôi, thời điểm bón thúc là tháng 7 âm lịch hằng năm.
Cần theo dõi sát sao tầm tháng 9-10 âm lịch hằng năm để can thiệp, xử lý cho hoa trổ đúng dịp tết Nguyên Đán
- Trong giai đoạn khoảng giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 âm lịch cần xác định cúc nở đúng hay trễ dịp Tết để xử lý kịp thời. Kỹ thuật này cần kết hợp những biện pháp như thời vụ trồng, tỉa cành, bấm ngọn, xới xáo cắt đứt rễ con, điều khiển ánh sáng, nhiệt độ (khi có điều kiện hoặc lựa chọn thời vụ lúc đâm chồi hoa có ánh sáng ngày ngắn, nhiệt độ ban đêm thấp). Có thể áp dụng các thuốc kích thích ra hoa được khuyến cáo để phun cho cây như GA3, gibberelin, axit indolic…
- Sâu bệnh: Cúc mâm xôi có khả năng kháng sâu bệnh tự nhiên tương đối tốt. Tuy nhiên, cần theo dõi cây thường xuyên và có phương án sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc rầy để loại trừ sâu bệnh có hại cho cúc mâm xôi.