(Nguồn: Tình hình quản lý chất thải rắn ở nông thôn, thị trấn, thị trấn, huyện, xã và các hình thức thu gom, vận chuyển chất thải phù hợp với điều kiện sống của Việt Nam – PGS.TS. Đặng Kim Chi – Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam)
Mục Lục Bài Viết
1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, nền kinh tế của cả nước đã có những bước phát triển hết sức quan trọng, cùng với sự gia tăng dân số và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng lên, thì kèm theo đó là các sức ép lên tài nguyên thiên và môi trường cũng ngày một gia tăng, đăc biệt là vấn đề quản lý chất thải.
Tại các thành phố, thị xã, vấn đề quản lý chất thải rắn rất được quan tâm và thực hiện khá hiệu quả và nghiêm túc.Còn đối với khu vực nông thôn, các thị trấn, thị tứ, cấp huyện, cấp xã cấp thôn thì đây vẫn là vấn đề nổi cộm và còn nhiều bất cập.
Nhìn chung, công tác quản lý chất thải rắn trên cả nước trong những năm qua có nhiều quan tâm cải tiến, cả về quy trình xử lý cũng như bộ máy quản lý và điều hành.Tuy nhiên, tình trạng vệ sinh môi trường ở nhiều địa phương vẫn chưa được đảm bảo do nhiều nguyên nhân, ngoài những nguyên nhân khách quan như thiếu kinh phí, thiếu diện tích đất quy hoạch bãi chôn lấp đúng tiêu chuẩn thì nguyên nhân quan trọng là ý thức của người dân còn chưa cao, chưa quản lý được hoạt động của lực lượng thu gom rác, việc phối hợp giữa khâu thu gom, vận chuyển rác và lưu chứa/xử lý rác gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình môi trường càng trở nên phức tạp và rất khó kiểm soát nhất là tại các bãi rác tự phát chưa được quy hoạch.
Các vấn đề nêu trên chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới trước áp lực về tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số, đô thị hóa, công nhiệp hóa,… và có thể sẽ trầm trọng hơn nếu như các cơ quan quản lý lại các tỉnh, thành phố và địa phương không có các hành động can thiệp kịp thời và mang tính chất chiến lược. Vì vậy, để có thể đưa ra các giải pháp hiệu quả, khả thi thì cần phải có cái nhìn tổng quan và chi tiết về thực trạng quản lý, mô hình thu gom, vận chuyển xử lý CTR; các vấn đề về quy hoạch, công nghệ xử lý CTR, chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR
Hiện trạng quản lý, mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn
Hiện trạng công tác quản lý
Hiện nay, công tác quản lý chất thải rắn đang được phân chia giữa các cấp trong chính quyền giữa thành phố, thị xã, các huyện và các xã, ngoài ra còn có sự tham gia khối tư nhân. Tuy nhiên giữa các cấp vẫn còn xảy ra xung đột và chồng chéo về tổ chức, trách nhiệm và lợi ích. Có thể thấy công tác quản lý CTR hiện nay hầu hết theo sơ đồ như sau:
Các công việc cụ thể của từng Sở, ban ngành được liệt kê dưới đây:
Tổng hợp trách nhiệm chính quản lý của các cấp chính quyền:
1/ UBND tỉnh/ thành phố
- Tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng các công trình xử lý CTR thuộc vùng tỉnh và vùng liên tỉnh nằm trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch quản lý CTR cấp địa phương do Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức phê duyệt
- Tổ chức hoạt động quản lý CTR trên địa phương, công bố, công khai quy hoạch quản lý CTR, tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển CTR
- Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động quản lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh
- Chỉ đạo, giám sát công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch bảo vệ môi trường.
2/ Sở xây dựng:
- Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, chịu trách nhiệm chính trong hoạch định chính sách, quy hoạch và đầu tư xây dựng các cơ sở quản lý, xử lý CTR. Xây dựng và quản lý các hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan đến CTR ở cấp địa phương
3/ Sở Tài nguyên và Môi trường
- Hoạch định chính sách, hệ thống pháp lý ở cấp địa phương, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn,
- Thanh tra, giám sát công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh
- Hỗ trợ , tư vấn về kỹ thuật cho hoạt động xử lý chất thải rắn cho các huyện
- Phối hợp với các Sở, Ban, Nghành trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức quản lý chất thải rắn
- Chủ trì phân loại CTR tại nguồn
- Hàng năm lập báo cáo tổng hợp tình hình quản lý CTR sinh hoạt, CTR nông nghiệp của toàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh.
- Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường tại các trạm trung chuyển, khu xử lý CTR toàn tỉnh.
- Xây dựng hướng dẫn UBND các huyện về tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật lựa chọn địa điểm và xây dựng các trạm trung chuyển CTR cho các điểm dân cư nông thôn.
4/ UBND các huyện
- Hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường cho công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn huyện.
- Chỉ đạo, giám sát công tác bảo vệ môi trường; công tác thực hiện quy hoạch quản lý chất rắn thải
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường trên địa bàn
- Chỉ đạo phòng tài nguyên và môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường các cơ sở thu mua phế liệu và các doanh nghiệp trên địa bàn theo phân cấp
- Xây dựng, trình duyệt và tổ chức thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý CTR thông thường trên địa bàn.
- Lập kế hoạch đóng cửa các bãi rác không hợp vệ sinh môi trường
- Xây dựng giá dịch vụ thu gom, xử lý CTR trên địa bàn của mình, đề nghị Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt
5/ UBND các xã, thị trấn
- Dành quy đất công điền làm điểm tập kết rác thải ở các thôn.
- Hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường cho công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn xã
- Chỉ đạo, giám sát công tác bảo vệ môi trường; công tác thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường trên địa bàn
- Chỉ đạo cán bộ chuyên trách về môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường các cơ sở thu mua phế liệu và các doanh nghiệp trên địa bàn theo phân cấp
- Phối hợp với UBND huyện lập kế hoạch đóng cửa các bãi rác không hợp vệ sinh môi trường
- Tham mưu cho UBND huyện trong việc quy hoạch các điểm trung chuyển CTR cho các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn
- Phối hợp với các nghành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý theo thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các hoạt động thu gom, xử lý CTR thông thường và các BCL không hợp vệ sinh trên địa bàn
- Thành lập tổ VSTM, HTX chịu trách nhiệm thu gom CTR sinh hoạt trên địa bàn
6/ Công ty MTĐT/HTX/Tổ thu gom CTR
- Thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đảm bảo chất lượng và tiến theo các hợp đồng ký kết
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thí điểm và nhân rộng chương trình phân loại CTR đô thị tại nguồn (tại hộ gia đình, các cơ quan, trường học, cơ sở thương mại, dịch vụ,…)
Tuy được phân công trách nhiệm rõ ràng, nhưng do nguồn nhân lực vẫn còn thiếu và yếu, thiếu kinh phí và cơ sở hạ tầng, chưa đưa ra được cơ chế phối hợp hiệu quả nên công tác quản lý chưa đạt được mục tiêu đề ra. Như vậy, để không xảy ra sự chồng chéo, xung đột trong công tác quản lý CTR đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận dưới sự điều hành chung của UBND tỉnh/thành phố, nâng cao trình độ nhân lực, đặc biệt là trong vấn đề quy hoạch.
2.2. Mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý CTR
Hiện nay, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư còn chưa cao, rất nhiều trường hợp người dân tự vận chuyển CTR của gia đình mình vứt bỏ ra môi trường, thường là ở ven đường, ao, hồ và khu đất trống. Hình thức này phổ biến ở những nơi chưa có tổ thu gom rác hoặc hoạt động thu gom rác hoạt động không hiệu quả.
Tuy nhiên, để phân loại các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, có thể phân theo ba mô hình chính sau đây:
1. Mô hình thu gom xử lý tập trung
2. Mô hình quản lý phân tán: thu gom xử lý tại BCL của thôn, xã
3. Mô hình tự xử lý tại hộ gia đình.
* Mô hình thu gom xử lý tập trung
Mô hình thu gom xử lý tập trung là mô hình chất thải sinh hoạt được xử lý hợp vệ sinh, theo quy định của pháp luật, đơn vị có chức năng xử lý là các công ty Môi trường có chức năng xử lý.
Mô hình này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn kinh phí cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng, chỉ phù hợp với những nơi có đường giao thông thuận lợi, cũng như có và gần khu xử lý/chôn lấp hợp vệ sinh. Tùy vào lượng chất thải phát sinh mà hình thức thu gom có thể theo các dạng sau đây: thu gom hàng ngày, thu gom định kỳ từ điểm tập kết. Thông thường khu đô thị (thị trấn, thị tứ) thường được thu gom theo hình thức này do đây là trung tâm chính trị- kinh tế- văn hóa- xã hội của một huyện và dân cư tập trung đông lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày nhiều, tỷ lệ thu gom cũng khá cao, có thể đạt 70-80%.
Hình thức thu gom định kỳ có thể lấy ví dụ tại Văn Lâm, Hưng Yên. Xã hoặc huyện sẽ bố trí 1 điểm tập kết để đặt các container có dung tích từ 6- 8m3 đối với loại nhỏ, loại lớn 20- 24m3 để chứa rác tạm thời trong khu vực có mái che. Thông thường rác thải được tổ vệ sinh môi trường thu gom từ hộ gia đình đến điểm tập kết bằng xe chuyen dụng (xe đẩy tay, xe ba gác, xe công nông…) rồi 02 đến 03 ngày xe được vận chuyển lên khu xử lý Đại Đồng bằng xe cuốn ép của huyện hoặc xe chở rác của công ty CPMTĐT&CN11.; Kinh phí xây dựng điểm đặt container khoảng 400-450 triệu đồng/điểm.
* Mô hình thu gom vận chuyển và xử lý phân tán
Mô hình này chủ yếu áp dụng cho khu vực xã, thôn có điều kiện giao thông không thuận lợi để xử lý tập trung và xa khu xử lý/chôn lấp. Hầu hết CTRSH được chôn lấp ở các BCL chưa hợp vệ sinh, sau khi BCL đầy có thể đóng cửa. Sơ đồ quy trình như sau:
Hiện nay tỷ lệ thu gom theo hình thức này lại các thôn, xã còn thấp, chỉ đạt từ 20-58%, ngoài một số ít các hộ gia đình tự xử lý đạt yêu cầu thì các hộ gia đình còn lại đều vứt bừa bãi, lung tung tại các đường làng, ngõ xóm và các khu vực đất hoang hoặc đất chưa có người sử dụng.
Chất thải rắn sau khi được thu gom sẽ vận chuyển thẳng đến bãi chôn lấp chất thải của thôn, xã. Bãi chôn lấp/bãi rác cũng được phân làm 02 loại: bãi chôn lấp theo quy hoạch, được cấp kinh phí để xây dựng và bãi chôn lấp tự phát của từng địa phương.
Bãi chôn lấp được quy hoạch:
Là những bãi chôn lấp có điều kiện vệ sinh tốt hơn, như đáy bãi được lót lớp vải địa kỹ thuật, có tường bao xung quanh, có sân phân loại…
Các bãi rác này đảm bảo được các yêu cầu cơ bản về giảm mùi và rác bay, nhưng không có hệ thống xử lý nước thải, hay không được chôn lấp đúng kỹ thuật, không được phân loại.
Một điểm hạn chế của các bãi chôn này là do đào sâu, tạo ra vùng đọng nước. Điều này khiến cho người thu gom rác không đổ được rác vào giữa bãi chôn lấp mà chỉ đổ được ở ven bãn chôn lấp, hiệu quả sử dụng không cao mà gây mất vệ sinh.
Bãi chôn tự phát
Hầu hết các bãi rác chôn ở các thôn xã chủ yếu là bãi chôn lấp tự phát không hợp vệ sinh, việc xử lý chất thải cho đến nay vẫn chỉ là đổ lộ thiên, ít có sự kiểm soát mùi hôi, rác bay và nước bẩn là nguồn gây ô nhiễm cho môi trường đất, nước và không khí. Hầu hết các bãi rác đều không có hàng rào xung quanh, khó xác định được gianh giới, CTR đổ xuống hầu như không được đầm nén. Các bãi rác không có lớp lót đáy, chỉ một số ít bãi xây dựng tường rào bao quanh còn lại chỉ ở dạng đào hố và đổ rác.
* Mô hình tự xử lý
Ngoài hai mô hình xử lý như trên, hiện nay đã xuất hiện các mô hình xử lý chất thải hộ gia đình được nhiều kết quả đáng khuyến khích. Một số hộ dân tại thôn Tiên Cầu, Hưng Yên thực hiện xử lý tại hộ gia đình theo hình thức làm phân hữu cơ trồng cây, một số hộ dân tại Lương Bằng/ Hưng Yên thực hiện hình thức nuôi giun quế để làm thức ăn chăn nuôi. Việc thực hiện phương án tự xử lý tại hộ gia đình không chỉ tiết kiệm chi phí thu gom rác mà còn tăng giá trị dinh dưỡng cho nông sản. Các mô hình tự xử lý này đã đi vào hoạt động có hiệu quả, bước đầu tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân.
Ủ phân bón bằng thùng composit:
Mỗi hộ gia đình trang bị một phi nhựa dung tích 200 lít xung quanh khoan nhiều lỗ tròn đường kính 1,5cm, bên dưới có một cánh cửa kích thước khoảng 20cm2, và một gói chế phẩm vi sinh.
+ Cách sử dụng thùng rác:
– Hàng ngày các loại rác thải sinh hoạt trong gia đình được thu gom và phân loại gồm: lá cây, cỏ khô, cơm thừa, canh cặn và rau quả hư hỏng (rác hữu cơ) sẽ được cho vào thùng.
– Tưới chế phẩm vi sinh vào lớp phế thải và đậy nắp, cứ thế 45 ngày các loại rác thải sẽ được vi sinh vật phân hủy biến thành phân hữu cơ hay còn gọi là phân compost rất có lợi cho cây trồng.
Mô hình nuôi chùn quế:
Từ đơn giản như nuôi trong khay, chậu trên một diện tích nhỏ đến nuôi trên đồng ruộng (có hoặc không có mái che), hay nuôi trong những nhà nuôi kiên cố… nhưng nhìn chung, các mô hình này đều phải đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật phù hợp với đặc điểm sinh lý của con giun Quế.
Ngoài ra một số phương án tự xử lý khác như hố đất di động, ủ chua acid lắctíc, nuôi ruồi lính đen,..
3. Kết luận
Từ thực trạng công tác quản lý, mô hình thu gom vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt khu vực thị trấn, thị tứ, cấp huyện, cấp xã, có thể thấy vấn đề chất thải rắn sinh hoạt vẫn là vấn đề còn nhiều bất cập và gây ra bức xúc trong dân cư. Tuy nhiên, ngoài các yếu tố khách quan thì có thể thấy nguyên nhân của các vấn đề lại do chính công tác quản lý chưa thực sự hiệu quả cũng như ý thức của chính người dân.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ phát triển của dịch bệnh, để có môi trường không khí, đất và nước được sạch sẽ, trong lành, các cấp chính quyền về trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường xung quanh khu dân cư. Khuyến khích người dân hạn chế sử dụng túi nilon, có biện pháp xử phạt hành chính nếu cá nhân, gia đình nào vi phạm làm ảnh hưởng đến môi trường.
Để thực hiện tốt công tác quản lý CTR cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương từ các cấp tỉnh, huyện, xã/ thị trấn và hộ gia đình. Phải xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp và triển khai đồng bộ dựa trên điều kiện riêng của từng huyện, từng xã